Những chỉ số đo lường kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí và lợi nhuận đều sẽ được trình bày chi tiết và cụ thể trong bản báo cáo lãi lỗ (P&L) của doanh nghiệp.
Vậy Báo cáo lãi lỗ P&L là gì? Bản báo cáo này gồm những thành phần nào và được trình bày ra sao? Hãy cùng xem qua bài viết này để nắm rõ hơn.
Mục lục
1. Báo cáo lãi lỗ P&L là gì?
Báo cáo lãi lỗ – hay P&L (Profit and Loss) là bản báo cáo tài chính cung cấp tổng quan về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ kinh doanh.
Thông thường, bản báo cáo lãi lỗ sẽ cung cấp cho nhà quản trị và các bên quan tâm khác để có cái nhìn tổng quan về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đánh giá tình hình kinh doanh Lãi hay Lỗ, có tạo ra lợi nhuận hay không.
Những điểm nổi bật về Báo cáo lãi lỗ P&L là gì?
- P&L Statement là 1 trong 3 báo cáo tài chính mà hầu như mọi công ty đại chúng sẽ phát hành hàng quý hoặc hàng năm, đi cùng với bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
- Khoảng thời gian nhất định thường được sử dụng để tổng hợp báo cáo P&L là một quý hoặc một năm tài chính tuỳ theo doanh nghiệp.
- Phân tích 3 bảng báo cáo tài chính cùng lúc sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về hiệu quả tài chính tổng thể của một công ty.
- Báo cáo được lập theo phương pháp tiền mặt hoặc phương pháp kế toán dồn tích.
2. Vai trò của báo cáo lãi lỗ P&L là gì?
2.1. Vai trò của báo cáo lãi lỗ P&L đối với doanh nghiệp
Báo cáo lãi lỗ P&L không chỉ phản ánh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp nhà quản trị xem xét được các số liệu về sản xuất, vận hành và kinh doanh.
Dựa trên Báo cáo lãi lỗ P&L, nhà quản trị có thể nhìn thấy được các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp (như chi phí bán hàng, chi phí vận chuyển hay chi phí marketing ,…) để kịp thời đưa ra các định hướng chỉ đạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, khi quan sát Báo cáo lãi lỗ P&L sẽ giúp nhà quản trị đánh giá được tốc độ phát triển của doanh nghiệp so với các đối thủ trên thị trường cũng như hiệu quả của chiến lược kinh doanh.
2.2. Vai trò của báo cáo lãi lỗ P&L đối với hoạt động marketing
Là một nhà quản trị marketing (Marketing Manager hoặc Marketing Director) cần nắm vững báo cáo lãi lỗ bởi những thông tin thiết yếu mà báo cáo này cung cấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hoạch định chiến lược marketing như:
- Hiệu suất tài chính của các chiến dịch Marketing: Nhờ vào cái nhìn tổng quan về hoạt động Lãi Lỗ, báo cáo P&L giúp nhà quản trị nắm được doanh thu, chi phí và chi tiêu cho hoạt động marketing trong một khoảng thời gian cụ thể.
- Quản lý ngân sách marketing (Marketing Budget) một cách hiệu quả để đưa ra chiến lược hành động hợp lý
- Phân tính Marketing ROI để đánh giá lợi nhuận dựa trên chi phí đầu tư hoạt động marketing. Đọc thêm bài viết: ROI là gì? Cách tính ROI trong marketing là gì?
- Đo lường hiệu suất thực thi các hoạt động marketing trên nền tảng chiến lược tổng thể của doanh nghiệp.
- Quản lý rủi ro về tài chính, lợi nhuận của công ty thông qua việc điều chỉnh các hoạt động marketing: Mở rộng để tăng doanh thu hoặc thu hẹp đối với hoạt động marketing không hiệu quả.
3. Những nội dung quan trọng trong báo cáo P&L
3.1. Doanh thu và Doanh thu thuần
- Doanh thu: Là khoản thu từ việc bán tổng các sản phẩm hay cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cùng nhiều khoản phụ thu khác ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Doanh thu thuần: Bằng Doanh thu trừ đi các khoản giảm trừ như giảm giá hàng bán, chiết khấu hàng bán, hàng trả về, các loại thuế và chiết khấu khác,…
Công thức tính: Áp dụng với doanh nghiệp sản xuất
- Doanh thu = Tổng sản lượng bán hàng x Giá thành bán sản phẩm
- Doanh thu thuần = Doanh thu – Các khoản giảm trừ doanh thu
3.2. Lợi nhuận thuần và Lợi nhuận ròng
- Lợi nhuận thuần: Được tính bằng Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với các khoản doanh thu từ hoạt động tài chính, doanh thu khác, trừ đi giá vốn hàng bán và tất cả các chi phí phát sinh như phí tài chính, phí quản lý doanh nghiệp và giá vốn hàng bán.
- Lợi nhuận ròng: Là số tiền bán hàng sau khi trừ các khoản phí hoạt động, lãi suất vay, các loại thuế và các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Công thức tính:
- Lợi nhuận thuần = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán + (Doanh thu của hoạt động tài chính – Phí tài chính) – (Phí bán hàng + Phí quản lý)
- Lợi nhuận ròng = Tổng doanh thu – Tổng chi phí
4. Các chỉ số tài chính quan trọng liên quan đến Marketing
Bằng cách theo dõi chặt chẽ những chỉ số tài chính quan trọng sau sẽ giúp các nhà quản trị Marketing đưa ra các quyết định quản trị dựa trên nền tảng thông tin cụ thể và khách quan, từ đó có kế hoạch tối ưu hóa ngân sách marketing, phân bổ chi phí marketing theo kênh cho phù hợp với tình hình tài chính tổng thể của công ty.
- Cost per Lead – CPL (chi phí cho mỗi khách hàng tiềm năng): Chi phí để thu được thông tin của một khách hàng tiềm năng mới thông qua các hoạt động marketing, dùng để nhận biết & phân phối ngân sách vào các kênh mang lại cơ hội một cách hiệu quả.
- Customer Acquisition Cost – CAC (chi phí sở hữu khách hàng): Chi phí trung bình phải chi trả để thu được một khách hàng mới.
- Lifetime Value of a Customer – LTV (giá trị suốt đời của khách hàng): Ước tính tổng doanh thu mà doanh nghiệp dự kiến sẽ có được từ một khách hàng trong suốt mối quan hệ.
- Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng (Marketing Qualified Leads => Sales Qualified Lead): Chỉ ra độ hiệu quả của phòng ban Marketing trong việc chuyển đổi cơ hội marketing thành cơ hội bán hàng (Tỷ lệ chuyển đổi cao hơn cho thấy việc sử dụng tài nguyên tiếp thị một cách hiệu quả)
- Marketing Contribution to Revenue (đóng góp marketing vào doanh thu): Đánh giá phần trăm doanh thu tổng do các hoạt động marketing mang lại.
- Marketing Budget Utilization (chi phí chi trả cho marketing): Theo dõi số tiền thực tế chi trả so với ngân sách marketing đã được phân bổ.
- Customer Churn Rate (tỷ lệ mất khách hàng): Tỷ lệ khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.
5. Phân biệt Báo cáo lãi lỗ P&L và Bảng cân đối kế toán
Báo cáo lãi lỗ P&L và Bảng cân đối kế toán là hai khái niệm khác nhau mà bạn nên nắm vững để phân biệt.
- Báo cáo lãi lỗ P&L của doanh nghiệp cho thấy thu nhập, chi tiêu và lợi nhuận của công ty đó trong một khoảng thời gian.
- Bảng cân đối kế toán cung cấp một cái nhìn tổng quan về tài sản và nợ phải trả vào một ngày nhất định, thông thường áp dụng vào ngày cuối cùng của năm tài chính.
Bảng cân đối kế toán thường được sử dụng để so sánh số lượng và chất lượng tài sản với các khoản nợ của công ty, từ đó thấu hiểu sức mạnh tài chính công ty.
Tạm kết
Báo cáo lãi lỗ P&L giúp tóm tắt doanh thu và chi phí của một công ty trong một khoảng thời gian cụ thể. Đây là một trong ba báo cáo tài chính mà các công ty đại chúng phát hành hàng quý và hàng năm – hai báo cáo còn lại là bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Các nhà đầu tư và nhà phân tích sử dụng báo cáo tài chính để đánh giá tình hình tài chính của một công ty và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tìm kiếm giải pháp Digital Marketing cho doanh nghiệp bạn? Liên hệ ngay VUTU DIGITAL qua:
- Hotline: 070-232-5050
- Email: vutudigital@gmail.com
- Facebook: FB.com/vutu.digital